Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Dạy con cách tiêu tiền: Không bao giờ là quá sớm

0 nhận xét
 Dạy con cách tiêu tiền, câu chuyện ấy tưởng như quá đỗi bình thường và không có gì quan trọng nhưng theo các chuyên gia tâm lý, đó là một trong những bài học đầu tiên dạy con làm người và đối mặt với cuộc sống, làm chủ trước sức hút của đồng tiền. Ấy cũng là kỹ năng quản lý tiền bạc để trở nên giàu có.

Gia đình chị Nguyễn Thu Hương, phường Thành Công, quận Ba Đình có 2 bé trai, một bé học lớp 2, một bé học lớp 7. Nhà làm nghề kinh doanh nên kinh tế gia đình chị rất khá giả. Các con cần tiền chỉ cần hỏi xin là mẹ bảo: Vào túi mẹ mà lấy. Khi con xin nhiều quá, chị chỉ nẹt chung chung: Con tiêu gì mà nhiều thế, chẳng biết tiếc tiền gì cả. Lâu dần con cái chị cần tiền cũng chẳng hỏi mẹ nữa mà vào thẳng túi mẹ lấy luôn, vì hàng ngày chúng có biết bao thứ phải tiêu: chơi game, ăn quà với bạn bè, mua cái này cái kia, đã ra đường là trong túi phải có tiền.
Cha mẹ cần nhận thức rằng, tâm thức (quan niệm) và thói quen về quản lý tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến con cái rất lớn, thậm chí nó sẽ hình thành nên tính cách quản lý tiền bạc sau này của trẻ. Khi bé chưa có khái niệm về tiền bạc, bạn có thể cho bé tập tiết kiệm. Như các gia đình thường có con lợn tiết kiệm chẳng hạn. Hãy cho bé cùng tham gia, cho bé được cầm tiền và bạn có thể để bé nhét tiền vào lợn tiết kiệm và trong khi đó hãy nói để bé biết về ý nghĩa của tiền và tiết kiệm tiền: tiền sẽ mang lại hạnh phúc nếu biết sử dụng đúng đắn. Khi trẻ đã bắt đầu có khái niệm về tiền bạc, bạn đừng ngần ngại việc bé tiếp xúc sớm với tiền, khoảng 4, 5 tuổi bé đã có thể làm quen với tiền. Bạn hãy cho bé số tiền nhỏ và hãy tặng cho bé 1 cuốn "SỔ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH" thật trân trọng, để cho bé cảm nhận rằng bạn đã coi bé "là người lớn" và bé sẽ rất có trách nhiệm đối với tiền bạc. Hãy giúp bé ghi lại những khoản thu - chi. Hãy dạy cho bé biết đặt ra các mục tiêu tiết kiệm để mua những thứ mà mình thích, ví dụ cuốn truyện mà bé thích, chắc chắn bé sẽ hạnh phúc sau cả tháng trời tiết kiệm để mua được thứ mà mình muốn hơn là việc bố mẹ có thể bỏ ngay ra 1 khoản tiền để mua cho bé. Và một việc làm tuy nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, bạn hãy trân trọng từng đồng tiền lẻ mà mình có: như gấp vuông vắn, phẳng phiu, để gọn gàng vào hộp đựng tiền, chỉ cần làm như vậy thôi là bạn đã truyền cho bé 1 thông điệp tốt về tâm thức và quản lý tiền bạc, bé sẽ hiểu "tiền rất quý và rất giá trị"!
Nguyễn Đình Hiếu
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm
Nhưng ngược lại, bé Lan Chi, học sinh trường THCS Đặng Trần Côn lại được bố mẹ cho tiền theo kiểu khác. Bé có một quyển sổ mà hàng ngày đều phải ghi đầy đủ các khoản chi tiêu mua gì, hết bao nhiêu, ở đâu. Với những khoản lớn bố mẹ sẽ tự dẫn đi mua chứ không giao tiền cho con cái. Thói quen ấy được duy trì năm này qua năm khác nên đến bây giờ bé rất thú vị với công việc đó. Mỗi lần ghi xong bé nhìn lại và nhận ra rằng có những khoản không đáng phải chi ra và sung sướng nếu như ngày nào mình tiêu ít hoặc không tiêu đến tiền. Dần dần, bé đã tự kiềm chế được những khoản tiêu vặt trong ngày. Bé còn nuôi một con lợn đất nên thỉnh thoảng phải cho nó “ăn” và không còn cách nào khác bé phải tiết kiệm từ những khoản tiền bố mẹ cho để nuôi nó lớn.
Còn anh Lê Mạnh Hùng, quận Hai Bà Trưng kể: Con gái xin 300.000 đồng để mua áo. Trên đường chở con đi, nhìn thấy một cậu bé đánh giầy tôi liền bảo: Con đoán xem một ngày cậu bé kia kiếm được bao nhiêu tiền? Con gái tôi hào hứng: Chắc cũng phải 100.000 đồng - Không dễ dàng thế đâu con ạ, bố đã từng nói chuyện với một cậu bé đánh giày và cả ngày cậu ta chỉ kiếm được 50.000 đồng mà thôi - Làm cả ngày mà chỉ được 2 bát phở thôi hả bố. Từ hôm đó, con gái tôi ít tiêu linh tinh và cũng hạn chế xin tiền bố mẹ hơn.
Như vậy mỗi gia đình có một cách quản lý chi tiêu của con khác nhau nhưng đều giống nhau ở mong muốn con cái mình biết sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả và chi tiêu tiết kiệm, biết quý trọng sức lao động hơn. Song không phải ai cũng đạt được mong muốn đó. 
Trần Hưng Cường
Ngày nay đối diện với cơ chế thị trường trong đó mọi giao dịch đều mang hình thái giá trị, trẻ em có cơ hội tiếp xúc với tài chính từ nhỏ. Vì vậy nên giúp trẻ biết quản lý và chi tiêu tiền khi thấy trẻ có thể hiểu. Việc đưa ra quyết định sử dụng tiền giúp trẻ sớm quen với lối suy nghĩ độc lập, nâng cao được khả năng tính toán, kiểm soát và tính chủ động, nhờ đó mà phát triển trí thông minh. Để giúp trẻ có quyết định đúng đắn về tiền bạc, nên kể cho trẻ về kế hoạch chi tiêu trong gia đình, giúp con hiểu giá trị một ngày làm việc của bố, mẹ bằng bao nhiêu (100.000 - 200.000 đồng), và để có tiền mua thức ăn, sách vở, đồ chơi… bố mẹ đã phải làm việc vất vả trong bao nhiêu ngày. Nhờ đó trẻ sẽ biết thương bố mẹ, quý đồng tiền, hạn chế những chi tiêu lãng phí. Ngoài ra khi chưa hiểu được hết giá trị của đồng tiền, không nên cho trẻ quá nhiều tiền vì sẽ gây tâm lý coi thường tiền bạc. Nên yêu cầu trẻ nói rõ mục đích khi xin tiền, nếu chính đáng mới đồng ý. Không nên thưởng tiền mỗi khi trẻ được điểm tốt hay làm việc vặt trong nhà, cần khuyến khích trẻ tiết kiệm để chuẩn bị cho một kế hoạch mà trẻ thích.
Nguyễn Mai Hương - Giảng viên Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia Khu vực 1
Mỗi người có một quan điểm về viêc nên hay không nên cho trẻ tiêu tiền sớm, tuổi nào thì trẻ được tiêu tiền? Theo tôi tuổi nào trẻ cũng có thể tiêu được tiền nhưng quan trọng là tiêu tiền như thế nào. Người lớn không nên phó mặc cho trẻ tự tiêu tiền, nhất là đối với gia đình có điều kiện. Nhiều gia đình không quan tâm đến việc trẻ tiêu tiền như thế nào, khi trẻ có nhu cầu là người lớn sẵn sàng đáp ứng. Điều này dễ làm trẻ có thói ỷ lại, không biết quý trọng đồng tiền, sử dụng tiền không đúng mục đích. Theo tôi, cách tốt nhất là người lớn nên thưởng cho trẻ nếu trẻ làm việc tốt bằng lời nói, hoặc cùng trẻ đi mua đồ dùng có ích chứ không nên cho trẻ cầm tiền tự mua đồ dùng. Nói tóm lại, việc cho trẻ tiêu tiền có 2 mặt, một mặt kích thích sự sáng tạo, phấn đấu của trẻ, nhưng mặt trái là nếu không có sự quản lý của người lớn sẽ dễ làm trẻ hư.
Trần Lệ Hà, Phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị
Sự phát triển tâm sinh lý của trẻ ảnh hưởng rất nhiều từ sự giáo dục của bố mẹ. Bố mẹ cưng chiều con thái quá đã dễ sinh hư thì việc không giáo dục con trong cách tiêu tiền càng khiến trẻ có những suy nghĩ không đúng đắn trong sự phát triển của tuổi và càng dễ hư hơn. Khi không biết cách tiêu tiền, trẻ dễ phóng túng, không biết quản lý số tiền mình có, đua đòi theo bạn bè, xuất hiện suy nghĩ tự tin thái quá khi mình có nhiều tiền hơn các bạn đồng trang lứa. Nhưng cũng từ suy nghĩ này mà trẻ có nhiều tiền không được bố mẹ hướng dẫn cách sử dụng sẽ có thái độ không biết quý trọng những đồng tiền mình có, từ đó, làm những việc vô ích. Ngược lại cũng không nên vì không muốn con mình sa vào những  trò chơi và quan hệ vô bổ, cha mẹ không cho con cái sử dụng tiền vì như thế trẻ sẽ rất mặc cảm, tự ti, không hòa đồng với tập thể. Ngay bản thân tôi có một cậu con trai đang du học ở nước ngoài, số tiền gia đình có không nhiều nhưng tôi vẫn luôn dạy cháu cách sử dụng đúng để phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và gia đình, và tôi cảm thấy cháu đã trưởng thành hơn vì biết quản lý cuộc sống chi tiêu khi không ở gần bố mẹ.
PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học, sinh lý lứa tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội
Dạy tiêu tiền, qua đó giúp trẻ biết cách tự thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân là một trong những việc làm đầu tiên mà các bậc cha mẹ phải dạy con mình. Việc cha mẹ chủ động bàn bạc với trẻ về định mức chi tiêu hàng tháng, khả năng kinh tế của gia đình và những khó khăn trong việc kiếm được đồng tiền không bao giờ là quá sớm. Qua đó trẻ thấy được giá trị đồng tiền và sức lao động. Bên cạnh đó, cha mẹ trước hết phải là tấm gương trong việc chi tiêu tài chính để con cái noi theo. Nếu một người mẹ chi tiêu hoang phí, không bao giờ quản lý, ghi chép các khoản chi trong nhà thì con cái cũng dễ dàng đi vào lối mòn đó. Ngoài ra, cha mẹ nên “thưởng phạt”, con làm được việc gì đó như dọn dẹp nhà cửa, cha mẹ có thể thưởng 5.000 đồng. Từ đó con biết quý trọng giá trị của lao động và chi tiêu một cách chừng mực. Nên nuôi một con lợn đất và khuyến khích con tiết kiệm tiền bằng cách cho lợn ăn mỗi ngày, khi ít khi nhiều. Chỉ cho con khoản tiền vừa đủ, luôn khuyến khích chúng tiết kiệm và quan sát, hướng dẫn cách trẻ tiêu tiền bạc.
TS Nguyễn Hương Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Nguyễn Đình Hiếu Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông

Kinh nghiệm của một người mẹ dạy con cách xài tiền

0 nhận xét
Gia đình nghèo nên ngay từ bé, tôi đã biết cần kiệm. Khi lập gia đình, có con, tôi rất chú ý việc dạy con cách xài tiền. 

Tôi thường nghe bạn bè cùng cơ quan lo lắng về chuyện không biết dạy con tiêu tiền như thế nào cho đúng. Chưa hết, cảnh cậu ấm, cô chiêu vung tiền qua cửa sổ, càng khiến tôi có cảm giác như lâm vào bài toán không lời giải! Không cho tiền, con sẽ thiệt thòi so với các bạn, thậm chí có thể nảy sinh thói ăn cắp, còn nếu cho, con dễ nảy sinh tính ỷ lại, không sử dụng đúng giá trị đồng tiền…
Cậu con trai bước vào tiểu học, bắt đầu có những nhu cầu nhỏ, khi thèm ly nước, cái bánh. Tôi đồng ý cho con tiền tiêu vặt, nhưng theo dõi rất kỹ. Thấy cu cậu phân chia tiền xài rất hợp lý: giờ ra chơi đầu uống nước, giờ ra chơi thứ hai ăn bánh, tôi yên tâm phần nào. Con lên cấp II, tôi vẫn giữ nguyên “kinh phí”. Để dạy con xài tiền, tôi không nói suông về giá trị đồng tiền, về công sức lao động mà thông qua hành động cụ thể.
Trong một lần trời mưa rất to, hai mẹ con tôi đi xích lô về nhà. Thấy mẹ con ngồi ôm nhau ấm áp, trong khi bác xích lô gò lưng đạp xe dưới mưa tầm tã, tôi đã trả gấp ba lần số tiền bác đề nghị. Tôi khuyên bác đi tìm quán nước uống ly trà chanh nóng để phòng cảm mạo, giữ sức khỏe. Con trai thắc mắc, tôi giải thích, mình kiếm tiền không dễ nhưng phải nghĩ đến người khác. Chỉ vì một cuốc xe của hai mẹ con mà bác ấy ốm nặng thì đã nghèo sẽ càng khổ hơn.
Năm lớp 7, được nghỉ một tiết học, con tôi cùng bạn đến nhà sách. Bạn cháu táy máy lấy sách bỏ vào cặp con trai tôi (theo lời kể của cháu là vậy nhưng không loại trừ trường hợp con tôi… tự bỏ vào cặp!). Anh bảo vệ bắt quả tang, lấy lại sách nhưng không cho hai cháu dắt xe đạp về mà buộc phải đem 300.000đ đến chuộc. Bạn con tôi không dám nói với cha vì sợ bị đánh đòn, còn con tôi đem mọi việc trình bày với cha mẹ. Chồng tôi đã đến gặp anh bảo vệ làm cho ra lẽ.
Đây là một cách “làm tiền”, cố tình đẩy lũ trẻ từ tội lỗi này đến tội lỗi khác bởi chúng có thể ăn cắp, nói dối ở gia đình để có tiền chuộc xe. Từ vụ việc này, tôi nhận thấy, con trẻ có nhu cầu mà mình đã không đáp ứng. Từ đó, mỗi cuối tuần, gia đình tôi có thêm thói quen đi nhà sách. Cháu được quyền chọn lựa những quyển sách yêu thích dưới sự hướng dẫn của mẹ.
Kinh nghiệm của một người mẹ dạy con cách xài tiền, Làm mẹ, dạy con, xài tiền,tiết kiệm
Nên dạy cho con cách xài tiền từ nhỏ
Lên cấp III, con tôi bắt đầu yêu. Với cháu, yêu lúc này là quá sớm nhưng tôi vẫn tìm cách tăng “ngân sách” cho con, để con “tài trợ” các cuộc vui chè bánh, cóc ổi của bạn gái. Tôi buộc con liệt kê mọi chi phí cần thiết để mẹ “duyệt”. Con trai tôi cũng hóm hỉnh, nó viết đi rồi viết lại, cuối cùng không đưa bản kế hoạch xin tăng tiền mà nói: “Tùy vào kinh tế gia đình thôi mẹ ạ, mẹ cho nhiều con xài nhiều, còn cho ít thì con xài ít, không sao đâu mẹ”. Thấy con trung thực mà biết nghĩ đến gia đình, tôi đã hào phóng tăng cho con 50%.
Thế nhưng, do có khi xài nhiều, có khi không xài đồng nào nên con tôi đề nghị mẹ cho tiền theo tuần để con tự cân đối. Biết con có khả năng cân đối thu chi nên tôi bằng lòng. Con tôi giờ đã học xong đại học, ra trường đi làm, mỗi lần lãnh lương đều hào phóng dẫn gia đình đi ăn và đưa phần lớn tiền cho mẹ giữ.
Con trai và con gái tôi cách nhau 13 tuổi, khi con trai vừa ổn thì tôi phải đối mặt với việc dạy dỗ con gái nhỏ. Từ bé đến lớn, mọi nhu cầu về đồ chơi, sách báo của con đều được chúng tôi đáp ứng đủ. Nhưng đến năm lớp 4 thì con tôi bắt đầu xin “làm việc” để… “lãnh lương”! Gấp quần áo, lau nhà, đấm lưng cho mẹ để xin được “trả lương” 5.000đ. Tôi lo lắng tìm hiểu mới biết trong lớp con có bạn Anh Tú, nhà nghèo, chiều chiều phải đi bán vé số phụ cha mẹ. Con gái tôi muốn có tiền mời bạn ly nước, cái bánh. Nhưng tôi vẫn lo lắng: có nên cho con tiền khi cháu làm việc nhà hay không?
(Theo PNO)

Cho con làm quen với tiền

0 nhận xét
Có nhiều gia đình cho rằng phải đợi đến khi con lớn lên mới cho bé biết đến tiền và giá trị của tiền nhưng nhiều nhà tâm lý cho rằng nên cho con làm quen với tiền từ sớm, tốt nhất là khi trẻ 3 tuổi.

Ngay từ khi 3 tuổi, trẻ không nhất thiết phải biết được giá trị của tiền cũng như mục đích tiêu tiền nhưng cha mẹ nên cho con biết và làm quen ban đầu với tiền.
Việc cho con làm quen sớm với tiền giúp bé ý thức được giá trị của đồng tiền và hình thành ý thức về kinh tế. Cần giáo dục cho con hiểu, đồng tiền kiếm được là dựa trên sức lao động, để con biết quý trọng đồng tiền, biết tiết kiệm và không tiêu xài lãng phí.
Các độ tuổi khác nhau sẽ có những cách làm quen và tiếp cận với đồng tiền khác nhau, và bố mẹ hãy áp dụng để cho con hiểu được giá trị của đồng tiền trong cuộc sống.
Cho con làm quen với tiền, Làm mẹ, cho con, làm quen, với tiền
Việc cho con làm quen sớm với tiền giúp bé ý thức được giá trị của đồng tiền.
3 tuổi: nhận biết các loại tiền.
4 tuổi: Cho con được quyền sử dụng tiền để mua một số vật dụng nhỏ, cần thiết như bút, thước, vở… tất nhiên là có cha mẹ đi kèm.
5 tuổi: Khi đã biết tiền có thể mua được những vật dụng cần thiết, bạn cũng cần dạy cho con hiểu được nỗi vất vả khi kiếm tiền và phải lao động mới có thể kiếm được tiền.
6 tuổi: Bước vào lớp 1, con đã biết cách đếm số và đếm được giá trị tiền. Cha mẹ hãy dạy con cách tiết kiệm số tiền nhỏ có được để tích lũy thành một số tiền lớn.
7 tuổi: Đặt ra một mục tiêu cho con để tiết kiệm tiền mua, ví dụ, bạn giúp con tiết kiệm để đầu năm học mua cặp sách mới, để con tự tay đập lợn và dẫn con đi mua để bé thấy trân trọng những gì mình đã dành giụm.
8 tuổi: Đưa ra cho bé một số “công việc” có thể kiếm ra tiền để con làm, ví dụ, nhổ tóc cho ông, bà, trông em giúp mẹ…
9 tuổi: Khi đã có thể tự kiếm tiền từ những công việc nhỏ nhặt, hãy dạy con cách mặc cả, cách tiêu tiền khi đã có tiền trong tay.
Cho con làm quen với tiền, Làm mẹ, cho con, làm quen, với tiền
Nhiều tiền quá, mẹ ơi!
10 tuổi: Tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua những vật dụng cần thiết.
Từ 11 tuổi trở lên: Giáo dục con cách tiết kiệm tiền, đánh giá sản phẩm cần mua và quản lý tiền bạc thích hợp.
Thói quen biết rõ giá trị và quý trọng tiền bạc, biết tiết kiệm và chi tiêu có kế hoạch sẽ giúp hình thành và tác động trực tiếp đến nhân cách của trẻ thông qua cách chúng ứng xử với tiền bạc. Tự chủ về tiền bạc sẽ giúp trẻ tự chủ trong tư duy, khi trưởng thành tư duy về kinh tế của trẻ sẽ được định hướng tốt hơn và làm kinh tế tốt hơn.

Doanh nhân dạy con cách tiêu tiền

0 nhận xét
Trong khi các bậc phụ huynh thường ngại cho con em mình "dính líu" đồng tiền từ quá nhỏ thì bài học vỡ lòng doanh nhân dùng để giáo dục con là biết sử dụng đồng tiền đúng cách.  
 
Theo tổng giám đốc của một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở TP HCM, với một số đức tính của con cái, ông quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, song riêng cách chi tiêu của trẻ thì cha mẹ là người hoàn toàn có thể giáo dục và định hướng được.

Vợ chồng ông vì thế rất nỗ lực trong việc dạy con hiểu được giá trị đồng tiền. Con lớn của ông giờ đang học ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, ngay từ hồi 7 - 8 tuổi đã có một cuốn sổ riêng ghi chép các khoản chi tiêu trong ngày. “Nhờ ghi vào sổ sách nên lần sau cháu nhớ được giá trị của từng món đồ đã từng mua. Và  lần sau cần mua thêm quyển sách, quyển vở hay quà vặt, đồ chơi, cháu tự bảo bố mẹ cho xin ngần này tiền để mua món đồ này. Vì thế, có lần chúng tôi rất ngạc nhiên khi mới học lớp hai mà cháu đã thắc mắc cửa hàng gần trường bán đồ đắt hơn gần nhà và nói: lần sau con sẽ về gần nhà mua cho rẻ”, vị doanh nhân hào hứng kể.
Ông cũng cho biết, khi có thêm con thứ hai (năm  nay lên lớp 6) tuy tuổi cũng không còn trẻ nhưng hai vợ chồng ông không hề vất vả gì trong việc giáo dục con cách tiêu tiền, vì cháu cứ theo “nếp” nhà và học theo anh cả mà làm.
Doanh nhân dạy con cách tiêu tiền, Làm mẹ, day con tiet kiem, day con lam giau, giao duc con cai, phuong phap day con, day con ngoan,
Nhiều trẻ em được ba mẹ cho rất nhiều tiền tiêu vặt lại không được dạy về giá trị đồng tiền. (Ảnh minh họa)
Ông tâm sự là rất e ngại về việc hiện nay nhiều trẻ mới học cấp một nhưng hàng ngày được bố mẹ cho rất nhiều tiền tiêu vặt nhưng các bậc phụ huynh lại không dạy con hiểu được giá trị đồng tiền, cũng không cần biết con tiêu những gì. "Con của một người bạn tôi dù đã học lớp 5 rồi nhưng vẫn không biết giá một tô bún cháu thường ăn sáng là bao nhiêu. Có những người hoàn cảnh khá giả nên trước mặt con vô tình hay thể hiện gia đình họ là tầng lớp giàu có, con cái sau này sẽ thừa hưởng cả gia tài kếch xù. Điều này rất nguy hiểm, dễ khiến con cái có suy nghĩ ỷ lại và không cần cố gắng học tập, lao động, tiêu xài phung phí", ông nói.
Một phó tổng giám đốc của Ngân hàng thương mại CP An Bình thì lại chia sẻ một số cách dạy trẻ sử dụng và tiết kiệm tiền rất thú vị đó là thông qua các trò chơi. Ông kể, hồi con mới 5 - 6 tuổi, hai vợ chồng đã cắt giấy để vẽ các tờ tiền giả, sau đó đút tiền giả vào một cái ví cũ, đưa cho con để chơi đồ hàng. Thường bố mẹ vào vai người bán thịt, rau, cá, còn con là khách mua. “Chẳng hạn khi con mua một lạng thịt heo giá 7.000 đồng, con đưa tờ 10.000 đồng thì mẹ sẽ hỏi “tôi phải trả lại cho cô/bà bao nhiêu tiền ấy nhỉ?”, lúc đó con tôi buộc phải tính tiền thối lại. Đến cuối buổi, chúng tôi thường hỏi hôm nay con đi chợ hết nhiều tiền không, cá đắt hơn hay thịt, rau đắt hơn. Mỗi lần được khen tính đúng là con bé rất vui”.
Doanh nhân dạy con cách tiêu tiền, Làm mẹ, day con tiet kiem, day con lam giau, giao duc con cai, phuong phap day con, day con ngoan,
Ngoài ra, còn rất nhiều trò chơi khác giúp trẻ làm quen với việc tính và phân biệt tiền, như đi tìm kho báu hay xếp tiền. Trò xếp tiền rất đơn giản, chỉ cần bỏ lộn xộn cả tiền xu và tiền giấy, tiền polyme với các mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng… vào một chiếc hộp, sau đó yêu cầu bé xếp các tờ tiền có trị giá tương đương nhau lại thành một chồng, để bé phân biệt được các loại tiền có giá trị lớn bé khác nhau.
Vợ chồng ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT VMC Group, cũng có cách dạy con sử dụng và quản lý tài chính cá nhân rất độc đáo. Gia đình ông hiện có hai con trai đều đang học tiểu học. Từ hồi bé, hai cháu đã được bố mẹ giải rằng, tài chính cũng có nhiều khoản mục như nhu cầu thiết yếu, hưởng thụ, tiết kiệm… và phải biết lấy tiền từ khoản nào để chi cho một việc cụ thể nào đó.
Vợ chồng ông Chín thuê thợ đóng cho mỗi cháu 6 chiếc hộp gỗ nhỏ xinh, tượng trưng cho 6 “tài khoản” trong ngân hàng của mỗi cháu, gồm tự do tài chính 10%, dự phòng 10%, nhu cầu thiết yếu 50%, tài khoản hưởng thụ 10%, tài khoản học tập 10% và tài khoản từ thiện 10%. Những chiếc hộp được sơn các màu xanh, đỏ, trắng, đen, vàng, xám để các cháu dễ phân biệt.
Doanh nhân dạy con cách tiêu tiền, Làm mẹ, day con tiet kiem, day con lam giau, giao duc con cai, phuong phap day con, day con ngoan,
74% các em nhỏ là con cái các doanh nhân ở Việt Nam không được hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân ( Ảnh minh họa)
Vợ chồng ông Chín đã dày công lập ra quy trình thu nhập của hai con, để các cháu căn cứ vào đó kiếm tiền bỏ vào các hộp tài khoản. Chẳng hạn các cháu được điểm cao, biết tiết kiệm điện nước, biết nhường nhịn người khác, biết sinh hoạt cá nhân hay chơi thể thao đúng giờ giấc… đều được thưởng tiền. Nhưng số tiền này hai con của ông Chín không được phép sử dụng tùy tiện, mà khi làm việc gì các cháu đều phải tính toán. Ví dụ, tiền ăn sáng các cháu phải lấy từ tài khoản nhu cầu thiết yếu, mỗi lần gia đình đi du lịch thì các cháu có thể mang theo một ít tiền từ tài khoản hưởng thụ để mua quà cho bạn bè. Khi có việc gì bất ngờ cần đến tiền để mua như mua bim bim cho một em bé hàng xóm qua chơi…, các cháu sẽ trích từ tài khoản dự phòng để chi tiêu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, cũng là người trực tiếp giảng dạy nhiều lớp doanh nhân, trong đó có việc hướng dẫn họ cách dạy và cùng con quản lý tài chính, cho biết: “Một nghiên cứu của tôi chỉ thấy rằng 74% các em nhỏ là con cái các doanh nhân ở Việt Nam không được hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng lý do chính vẫn là bố mẹ quá bận hoặc họ thấy việc này không phải là điều quan trọng trong việc giáo dục con cái lúc nhỏ. Ở nước ngoài, con cái được học cách sử dụng và chi tiêu tài chính cá nhân từ nhỏ. Có những cháu từ tiểu học đã học và ở tại những khu học xá, phải tự đi siêu thị, tự lo chi tiêu, ăn uống… Điều này khiến trẻ con ở phương Tây học được tính độc lập sớm hơn ở Việt Nam”.
Ông Hùng cũng cho hay, hiện nay nhiều doanh nhân tại Hà Nội và TP HCM đã nhận ra vấn đề này và ngày càng chú trọng hơn tới việc dạy con chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân. Có những doanh nhân còn tự đọc sách, nghiên cứu và “thảo” ra một chương trình riêng thú vị cho con cái của họ.
 

Dạy học trò cách tiêu tiền

0 nhận xét
Đợt khảo sát của chương trình đã gióng lên hồi chuông báo động về sự lơ là, bù đắp tình cảm, tình thương cho con bằng cách cho tiền tiêu pha đã làm hư hỏng một bộ phận học sinh.

Sáng 27-4, Sở GD&ĐT TP.HCM cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em ở Việt Nam (Save the Children), Quỹ Citi (Citi Foundation) đã tổ chức hội thảo Tại sao cần giáo dục tài chính cho thanh thiếu niên?

Chủ yếu chi tiêu cho thời trang!
Kết quả khảo sát của chương trình từ năm 2009 trên 200 học sinh tại hai trường THPT Nguyễn Du và Marie Curie cho thấy 44% chi tiêu cho mua sắm thời trang, 35% chi cho vui chơi, giải trí, 21% đầu tư cho học tập. 1/3 học sinh cho là tiền ba mẹ cho không đủ xài, 2/3 gặp khó khăn trong tiền bạc, khi túng quẫn, có nhu cầu thì 1/4 học sinh phải mượn tiền người thân.
Một nam sinh lớp 11 cho biết: Tụi con phải chi “tình phí” nhưng con không thể kể với ba mẹ”. Còn một nữ sinh lớp 11 thì cho rằng: “Em thích có khoản tiền riêng để tự mình quản lý chi tiêu. Nhưng hằng ngày mẹ chỉ cho em 20.000 đồng, đến tối phải đưa lại phần tiền xài chưa hết để lấy tờ 20.000 đồng mới. Vì thế, em thường nói là đã xài hết để để dành lại”.
Cô Trần Thị Huế, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, nhận định: Qua khảo sát 200 học sinh THPT (13-18 tuổi) cho thấy nhiều thanh thiếu niên không có kiến thức hay kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc của mình, ảnh hưởng rất nhiều cho kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành. Các em chia sẻ rằng do cha mẹ làm việc bận rộn, chỉ biết cho tiền chi tiêu mà không có sự giám sát hoặc hướng dẫn con mình dùng tiền làm gì. Các em cứ dùng tiền mà không cần suy nghĩ tiền ở đâu mà có và chỉ đơn giản xin tiền khi cần, hay có nhu cầu gì đó cho bản thân. Phụ huynh không nhận thức những rủi ro, hay hậu quả của việc đưa tiền cho trẻ. Khi trẻ có nhiều tiền lại thiếu sự quan tâm của người lớn, trẻ sẽ tiêu xài hoang phí hay xài tiền vào những hoạt động có hại như nghiện game, đua đòi với bạn, bị bạn rủ rê sử dụng ma túy.

Khi người lớn thiếu quan tâm, trẻ có tiền sẽ tiêu xài hoang phí trong những cuộc vui như thế này. Ảnh: HTD
Cha mẹ thức tỉnh, giáo dục vào cuộc
Kết quả phỏng vấn 27 phụ huynh do Tổ chức Cứu trợ trẻ em ở Việt Nam khảo sát vào tháng 4-2010 như sau: 100% phụ huynh cho rằng giáo dục cho con biết quý sức lao động, giá trị đồng tiền, hiểu biết những vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền là cần thiết nhưng hầu hết họ không biết dạy con thế nào và không tự tin. 100% phụ huynh cho rằng cho tiền con tiêu vặt 50.000-300.000 đồng/tuần nhưng họ không biết sử dụng có đúng mục đích không. Khoảng 50% không quan tâm con sử dụng tiền lì xì tết làm gì vì cho rằng đó là tiền của con. Có rất nhiều phụ huynh muốn dùng tiền để bù đắp thiếu hụt tình cảm vì phải đi làm xa, ít khi gặp con cái.
Chị Đỗ Phương Anh ở quận 10 tâm sự: “Tôi có một cháu gái học lớp 10, cháu ở với tôi khi vợ chồng tôi ly hôn. Khi có tiền thì con xin bao nhiêu tôi cho bấy nhiêu nhưng cũng không biết con xài vào việc gì. Giá như tôi biết tính toán chi tiêu thì tôi đã dạy con mình làm được điều ấy”.
Anh Đỗ Anh Dũng, một người kinh doanh shop thời trang, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi thu nhập mỗi năm chừng 1,5 tỉ đồng. Tôi không biết chi tiêu cho cả gia đình hằng tháng bao nhiêu nhưng tính nhẩm chừng 30 triệu đồng/tháng. Tôi thường cho con 40.000 đồng/ngày để ăn sáng và gửi xe, tiền xăng cho riêng, khi con cần việc gì thì cho thêm. Vợ chồng tôi lo kinh doanh, ít có thời gian trò chuyện với con mà cháu cũng đi học kín cả ngày. Con xin tiền, thương con tôi cho nhưng không biết con có xài đúng không”.
Nhóm khảo sát Tổ chức Cứu trợ trẻ em ở Việt Nam nhận xét: “Suy nghĩ như anh Dũng, cho con tiền tiêu xài thoải mái để bù lại việc mình bận rộn, ít có thời gian chăm sóc con là rất có hại. Trẻ xài khoản tiền lớn, kéo dài mà cha mẹ không kiểm soát thì trẻ dễ sa vào tệ nạn xã hội”.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, giáo dục tài chính cho học sinh là rất quan trọng, Sở ủng hộ chương trình này và mong muốn nhân rộng chương trình ra nhiều trường.

Chương trình giáo dục tài chính cho học sinh THPT tại TP.HCM thông qua hình thức tập huấn kiến thức về tài chính cho giáo viên. Qua đó, các giáo viên sẽ dạy cho học sinh lên kế hoạch chi tiêu và hiểu được giá trị sức lao động, đồng tiền của cha mẹ làm ra. Chương trình gồm bốn chủ đề: Giới thiệu về giáo dục tài chính và một số khái niệm cơ bản. Tiết kiệm là gì, tại sao phải tiết kiệm và cách thức tiết kiệm? Ngân sách cá nhân, kỹ năng quản lý tiền bạc và lập ngân sách, kế hoạch chi tiêu. Các dịch vụ tài chính.
Theo Tổ chức Save the Children, chương trình chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một thực hiện tại hai trường THPT Nguyễn Du và Marie Curie từ tháng 12-2009 và triển khai giai đoạn hai từ tháng 10-2010 tại các trường THPT (chuyên) Lê Hồng Phong, Nguyễn Hữu Huân, Hùng Vương. Chương trình sẽ kết thúc vào tháng 6-2011, dự kiến tháng 10-2011 triển khai giai đoạn ba nhân rộng thêm nhiều trường.