Dạy con cách tiêu tiền, câu chuyện ấy tưởng như quá đỗi bình
thường và không có gì quan trọng nhưng theo các chuyên gia tâm lý, đó là
một trong những bài học đầu tiên dạy con làm người và đối mặt với cuộc
sống, làm chủ trước sức hút của đồng tiền. Ấy cũng là kỹ năng quản lý
tiền bạc để trở nên giàu có.
Gia đình chị Nguyễn Thu Hương, phường Thành Công, quận
Ba Đình có 2 bé trai, một bé học lớp 2, một bé học lớp 7. Nhà làm nghề
kinh doanh nên kinh tế gia đình chị rất khá giả. Các con cần tiền chỉ
cần hỏi xin là mẹ bảo: Vào túi mẹ mà lấy. Khi con xin nhiều quá, chị chỉ
nẹt chung chung: Con tiêu gì mà nhiều thế, chẳng biết tiếc tiền gì cả.
Lâu dần con cái chị cần tiền cũng chẳng hỏi mẹ nữa mà vào thẳng túi mẹ
lấy luôn, vì hàng ngày chúng có biết bao thứ phải tiêu: chơi game, ăn
quà với bạn bè, mua cái này cái kia, đã ra đường là trong túi phải có
tiền.
Cha mẹ cần nhận thức rằng, tâm thức
(quan niệm) và thói quen về quản lý tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến con cái
rất lớn, thậm chí nó sẽ hình thành nên tính cách quản lý tiền bạc sau
này của trẻ. Khi bé chưa có khái niệm về tiền bạc, bạn có thể cho bé tập
tiết kiệm. Như các gia đình thường có con lợn tiết kiệm chẳng hạn. Hãy
cho bé cùng tham gia, cho bé được cầm tiền và bạn có thể để bé nhét tiền
vào lợn tiết kiệm và trong khi đó hãy nói để bé biết về ý nghĩa của
tiền và tiết kiệm tiền: tiền sẽ mang lại hạnh phúc nếu biết sử dụng đúng
đắn. Khi trẻ đã bắt đầu có khái niệm về tiền bạc, bạn đừng ngần ngại
việc bé tiếp xúc sớm với tiền, khoảng 4, 5 tuổi bé đã có thể làm quen
với tiền. Bạn hãy cho bé số tiền nhỏ và hãy tặng cho bé 1 cuốn "SỔ QUẢN
LÝ TÀI CHÍNH" thật trân trọng, để cho bé cảm nhận rằng bạn đã coi bé "là
người lớn" và bé sẽ rất có trách nhiệm đối với tiền bạc. Hãy giúp bé
ghi lại những khoản thu - chi. Hãy dạy cho bé biết đặt ra các mục tiêu
tiết kiệm để mua những thứ mà mình thích, ví dụ cuốn truyện mà bé thích,
chắc chắn bé sẽ hạnh phúc sau cả tháng trời tiết kiệm để mua được thứ
mà mình muốn hơn là việc bố mẹ có thể bỏ ngay ra 1 khoản tiền để mua cho
bé. Và một việc làm tuy nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, bạn hãy trân
trọng từng đồng tiền lẻ mà mình có: như gấp vuông vắn, phẳng phiu, để
gọn gàng vào hộp đựng tiền, chỉ cần làm như vậy thôi là bạn đã truyền
cho bé 1 thông điệp tốt về tâm thức và quản lý tiền bạc, bé sẽ hiểu
"tiền rất quý và rất giá trị"!
Nguyễn Đình Hiếu
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm
|
Còn anh Lê Mạnh Hùng, quận Hai Bà Trưng kể: Con gái xin
300.000 đồng để mua áo. Trên đường chở con đi, nhìn thấy một cậu bé
đánh giầy tôi liền bảo: Con đoán xem một ngày cậu bé kia kiếm được bao
nhiêu tiền? Con gái tôi hào hứng: Chắc cũng phải 100.000 đồng - Không dễ
dàng thế đâu con ạ, bố đã từng nói chuyện với một cậu bé đánh giày và
cả ngày cậu ta chỉ kiếm được 50.000 đồng mà thôi - Làm cả ngày mà chỉ
được 2 bát phở thôi hả bố. Từ hôm đó, con gái tôi ít tiêu linh tinh và
cũng hạn chế xin tiền bố mẹ hơn.
Như vậy mỗi gia đình có một cách quản lý chi tiêu của
con khác nhau nhưng đều giống nhau ở mong muốn con cái mình biết sử dụng
đồng tiền một cách hiệu quả và chi tiêu tiết kiệm, biết quý trọng sức
lao động hơn. Song không phải ai cũng đạt được mong muốn đó.
Trần Hưng Cường
Ngày nay đối diện với cơ chế thị trường
trong đó mọi giao dịch đều mang hình thái giá trị, trẻ em có cơ hội
tiếp xúc với tài chính từ nhỏ. Vì vậy nên giúp trẻ biết quản lý và chi
tiêu tiền khi thấy trẻ có thể hiểu. Việc đưa ra quyết định sử dụng tiền
giúp trẻ sớm quen với lối suy nghĩ độc lập, nâng cao được khả năng tính
toán, kiểm soát và tính chủ động, nhờ đó mà phát triển trí thông minh.
Để giúp trẻ có quyết định đúng đắn về tiền bạc, nên kể cho trẻ về kế
hoạch chi tiêu trong gia đình, giúp con hiểu giá trị một ngày làm việc
của bố, mẹ bằng bao nhiêu (100.000 - 200.000 đồng), và để có tiền mua
thức ăn, sách vở, đồ chơi… bố mẹ đã phải làm việc vất vả trong bao nhiêu
ngày. Nhờ đó trẻ sẽ biết thương bố mẹ, quý đồng tiền, hạn chế những chi
tiêu lãng phí. Ngoài ra khi chưa hiểu được hết giá trị của đồng tiền,
không nên cho trẻ quá nhiều tiền vì sẽ gây tâm lý coi thường tiền bạc.
Nên yêu cầu trẻ nói rõ mục đích khi xin tiền, nếu chính đáng mới đồng ý.
Không nên thưởng tiền mỗi khi trẻ được điểm tốt hay làm việc vặt trong
nhà, cần khuyến khích trẻ tiết kiệm để chuẩn bị cho một kế hoạch mà trẻ
thích.
Nguyễn Mai Hương - Giảng viên Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia Khu vực 1
Mỗi người có một quan điểm về viêc nên
hay không nên cho trẻ tiêu tiền sớm, tuổi nào thì trẻ được tiêu tiền?
Theo tôi tuổi nào trẻ cũng có thể tiêu được tiền nhưng quan trọng là
tiêu tiền như thế nào. Người lớn không nên phó mặc cho trẻ tự tiêu tiền,
nhất là đối với gia đình có điều kiện. Nhiều gia đình không quan tâm
đến việc trẻ tiêu tiền như thế nào, khi trẻ có nhu cầu là người lớn sẵn
sàng đáp ứng. Điều này dễ làm trẻ có thói ỷ lại, không biết quý trọng
đồng tiền, sử dụng tiền không đúng mục đích. Theo tôi, cách tốt nhất là
người lớn nên thưởng cho trẻ nếu trẻ làm việc tốt bằng lời nói, hoặc
cùng trẻ đi mua đồ dùng có ích chứ không nên cho trẻ cầm tiền tự mua đồ
dùng. Nói tóm lại, việc cho trẻ tiêu tiền có 2 mặt, một mặt kích thích
sự sáng tạo, phấn đấu của trẻ, nhưng mặt trái là nếu không có sự quản lý
của người lớn sẽ dễ làm trẻ hư.
Trần Lệ Hà, Phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị
Sự phát triển tâm sinh lý của trẻ ảnh
hưởng rất nhiều từ sự giáo dục của bố mẹ. Bố mẹ cưng chiều con thái quá
đã dễ sinh hư thì việc không giáo dục con trong cách tiêu tiền càng
khiến trẻ có những suy nghĩ không đúng đắn trong sự phát triển của tuổi
và càng dễ hư hơn. Khi không biết cách tiêu tiền, trẻ dễ phóng túng,
không biết quản lý số tiền mình có, đua đòi theo bạn bè, xuất hiện suy
nghĩ tự tin thái quá khi mình có nhiều tiền hơn các bạn đồng trang lứa.
Nhưng cũng từ suy nghĩ này mà trẻ có nhiều tiền không được bố mẹ hướng
dẫn cách sử dụng sẽ có thái độ không biết quý trọng những đồng tiền mình
có, từ đó, làm những việc vô ích. Ngược lại cũng không nên vì không
muốn con mình sa vào những trò chơi và quan hệ vô bổ, cha mẹ không cho
con cái sử dụng tiền vì như thế trẻ sẽ rất mặc cảm, tự ti, không hòa
đồng với tập thể. Ngay bản thân tôi có một cậu con trai đang du học ở
nước ngoài, số tiền gia đình có không nhiều nhưng tôi vẫn luôn dạy cháu
cách sử dụng đúng để phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và gia đình, và
tôi cảm thấy cháu đã trưởng thành hơn vì biết quản lý cuộc sống chi tiêu
khi không ở gần bố mẹ.
PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học, sinh lý lứa tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội
Dạy tiêu tiền, qua đó giúp trẻ biết
cách tự thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân là một trong những
việc làm đầu tiên mà các bậc cha mẹ phải dạy con mình. Việc cha mẹ chủ
động bàn bạc với trẻ về định mức chi tiêu hàng tháng, khả năng kinh tế
của gia đình và những khó khăn trong việc kiếm được đồng tiền không bao
giờ là quá sớm. Qua đó trẻ thấy được giá trị đồng tiền và sức lao động.
Bên cạnh đó, cha mẹ trước hết phải là tấm gương trong việc chi tiêu tài
chính để con cái noi theo. Nếu một người mẹ chi tiêu hoang phí, không
bao giờ quản lý, ghi chép các khoản chi trong nhà thì con cái cũng dễ
dàng đi vào lối mòn đó. Ngoài ra, cha mẹ nên “thưởng phạt”, con làm được
việc gì đó như dọn dẹp nhà cửa, cha mẹ có thể thưởng 5.000 đồng. Từ đó
con biết quý trọng giá trị của lao động và chi tiêu một cách chừng mực.
Nên nuôi một con lợn đất và khuyến khích con tiết kiệm tiền bằng cách
cho lợn ăn mỗi ngày, khi ít khi nhiều. Chỉ cho con khoản tiền vừa đủ,
luôn khuyến khích chúng tiết kiệm và quan sát, hướng dẫn cách trẻ tiêu
tiền bạc.
TS Nguyễn Hương Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét