Gia đình nghèo nên ngay từ bé, tôi đã biết cần kiệm. Khi lập gia đình, có con, tôi rất chú ý việc dạy con cách xài tiền.
Tôi thường
nghe bạn bè cùng cơ quan lo lắng về chuyện không biết dạy con tiêu tiền
như thế nào cho đúng. Chưa hết, cảnh cậu ấm, cô chiêu vung tiền qua cửa
sổ, càng khiến tôi có cảm giác như lâm vào bài toán không lời giải!
Không cho tiền, con sẽ thiệt thòi so với các bạn, thậm chí có thể nảy
sinh thói ăn cắp, còn nếu cho, con dễ nảy sinh tính ỷ lại, không sử dụng
đúng giá trị đồng tiền…
Cậu con trai bước vào tiểu học, bắt đầu
có những nhu cầu nhỏ, khi thèm ly nước, cái bánh. Tôi đồng ý cho con
tiền tiêu vặt, nhưng theo dõi rất kỹ. Thấy cu cậu phân chia tiền xài rất
hợp lý: giờ ra chơi đầu uống nước, giờ ra chơi thứ hai ăn bánh, tôi yên
tâm phần nào. Con lên cấp II, tôi vẫn giữ nguyên “kinh phí”. Để dạy con
xài tiền, tôi không nói suông về giá trị đồng tiền, về công sức lao
động mà thông qua hành động cụ thể.
Trong một lần trời mưa rất to, hai mẹ con
tôi đi xích lô về nhà. Thấy mẹ con ngồi ôm nhau ấm áp, trong khi bác
xích lô gò lưng đạp xe dưới mưa tầm tã, tôi đã trả gấp ba lần số tiền
bác đề nghị. Tôi khuyên bác đi tìm quán nước uống ly trà chanh nóng để
phòng cảm mạo, giữ sức khỏe. Con trai thắc mắc, tôi giải thích, mình
kiếm tiền không dễ nhưng phải nghĩ đến người khác. Chỉ vì một cuốc xe
của hai mẹ con mà bác ấy ốm nặng thì đã nghèo sẽ càng khổ hơn.
Năm lớp 7, được nghỉ một tiết học, con
tôi cùng bạn đến nhà sách. Bạn cháu táy máy lấy sách bỏ vào cặp con trai
tôi (theo lời kể của cháu là vậy nhưng không loại trừ trường hợp con
tôi… tự bỏ vào cặp!). Anh bảo vệ bắt quả tang, lấy lại sách nhưng không
cho hai cháu dắt xe đạp về mà buộc phải đem 300.000đ đến chuộc. Bạn con
tôi không dám nói với cha vì sợ bị đánh đòn, còn con tôi đem mọi việc
trình bày với cha mẹ. Chồng tôi đã đến gặp anh bảo vệ làm cho ra lẽ.
Đây là một cách “làm tiền”, cố tình đẩy
lũ trẻ từ tội lỗi này đến tội lỗi khác bởi chúng có thể ăn cắp, nói dối ở
gia đình để có tiền chuộc xe. Từ vụ việc này, tôi nhận thấy,
con trẻ có nhu cầu mà mình đã không đáp ứng. Từ đó, mỗi cuối tuần, gia
đình tôi có thêm thói quen đi nhà sách. Cháu được quyền chọn lựa những
quyển sách yêu thích dưới sự hướng dẫn của mẹ.
Nên dạy cho con cách xài tiền từ nhỏ
Lên cấp III, con tôi bắt đầu yêu. Với
cháu, yêu lúc này là quá sớm nhưng tôi vẫn tìm cách tăng “ngân sách” cho
con, để con “tài trợ” các cuộc vui chè bánh, cóc ổi của bạn gái. Tôi
buộc con liệt kê mọi chi phí cần thiết để mẹ “duyệt”. Con trai tôi cũng
hóm hỉnh, nó viết đi rồi viết lại, cuối cùng không đưa bản kế hoạch xin
tăng tiền mà nói: “Tùy vào kinh tế gia đình thôi mẹ ạ, mẹ cho nhiều con
xài nhiều, còn cho ít thì con xài ít, không sao đâu mẹ”. Thấy con trung
thực mà biết nghĩ đến gia đình, tôi đã hào phóng tăng cho con 50%.
Thế nhưng, do có khi xài nhiều, có khi
không xài đồng nào nên con tôi đề nghị mẹ cho tiền theo tuần để con tự
cân đối. Biết con có khả năng cân đối thu chi nên tôi bằng lòng. Con tôi
giờ đã học xong đại học, ra trường đi làm, mỗi lần lãnh lương đều hào
phóng dẫn gia đình đi ăn và đưa phần lớn tiền cho mẹ giữ.
Con trai và con gái tôi cách nhau 13
tuổi, khi con trai vừa ổn thì tôi phải đối mặt với việc dạy dỗ con gái
nhỏ. Từ bé đến lớn, mọi nhu cầu về đồ chơi, sách báo
của con đều được chúng tôi đáp ứng đủ. Nhưng đến năm lớp 4 thì con tôi
bắt đầu xin “làm việc” để… “lãnh lương”! Gấp quần áo, lau nhà, đấm lưng
cho mẹ để xin được “trả lương” 5.000đ. Tôi lo lắng tìm hiểu mới biết
trong lớp con có bạn Anh Tú, nhà nghèo, chiều chiều phải đi bán vé số
phụ cha mẹ. Con gái tôi muốn có tiền mời bạn ly nước, cái bánh. Nhưng
tôi vẫn lo lắng: có nên cho con tiền khi cháu làm việc nhà hay không?
(Theo PNO)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét